TRÀ VINH, Việt Nam (NV) – Công An tỉnh Trà Vinh vừa bắt giữ nghi can Sơn Thanh Tuấn, 31 tuổi, do đột nhập tư gia của ông Phan Thanh Sơn, cựu giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải, lấy được 66 lượng vàng và $35,000.
Theo báo Zing, vụ trộm xảy ra trong lúc ông Sơn được ghi nhận “đóng cửa nhà đi dự tiệc.”
![]() |
Ông Vũ Hoài Bắc, giám đốc Công An tỉnh Trà Vinh, cho biết đây là “vụ trộm tài sản lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương.” Nghi can Tuấn được mô tả là “kẻ trộm rất liều lĩnh, với thủ đoạn chuyên nghiệp, gây thiệt hại lớn về tài sản cho nạn nhân.” Sau khi lấy được vàng, đô la ở nhà ông Sơn, nghi can “mua xe, trả nợ và tiêu xài cá nhân,” báo Zing cho biết thêm.
Trước đó, khi đưa tin vụ trộm này, báo Tuổi Trẻ cùng một số báo khác giấu danh tánh nạn nhân, và chỉ ghi chung chung là “một chủ nhà ở Trà Vinh.”
Liên quan ông Sơn, báo Tuổi Trẻ hồi năm 2011 cho hay, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh kết luận ông này “có dấu hiệu tư lợi cá nhân” khi “nắn” tuyến đường số 1 vào mảnh đất của mình và gia đình để được giải tỏa 7,340 mét vuông đất.
Thời điểm đó, Ban Thường Vụ Tỉnh Ủy Trà Vinh được ghi nhận “tập trung làm rõ mức độ sai phạm của ông Phan Thanh Sơn để có biện pháp xử lý kỷ luật tương xứng.” Truyền thông ở Việt Nam cho hay, ông Sơn sau đó bị cảnh cáo.
Tuy vậy, tính đến Tháng Bảy, 2020, theo tờ Lao Động, dù đã 11 năm trôi qua, nhưng lãnh đạo tỉnh Trà Vinh “vẫn cứ nhùng nhằng, không thể giải quyết dứt điểm vụ sai phạm nghiêm trọng với dấu hiệu “lợi ích nhóm” ở tuyến đường số 1.
“Trong tổng số hơn 280,300 mét vuông đất của 253 hộ gia đình và ba tổ chức có đất nằm cạnh đường số 1, thì có hơn 40,700 mét vuông đất thuộc quyền sở hữu của 20 vị cán bộ và chủ doanh nghiệp trong tỉnh, trong đó có ông Sơn,” báo Lao Động viết thêm.
Cũng theo báo này, do hành vi của ông Sơn khi còn ngồi ghế giám đốc Sở Giao Thông Vận Tải tỉnh Trà Vinh “có dấu hiệu cố ý làm trái, gây hậu quả nghiêm trọng,” nên thanh tra tỉnh đề nghị chuyển toàn bộ hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ.
Tuy nhiên, vụ việc kéo dài nhiều năm, trải qua hàng chục cuộc họp, nhưng đến năm 2020, vẫn chưa được giải quyết và những khuất tất về trách nhiệm của giới chức trong dự án tuyến đường số 1 chưa được làm sáng tỏ.
![]() |
Ông Lê Văn Đấu, phó chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Tỉnh Ủy Trà Vinh, cơ quan xem xét kỷ luật cán bộ, được báo Lao Động dẫn lời: “Vụ việc đã trải qua rất nhiều năm nên không thể rà soát lại hồ sơ. Lãnh đạo Ủy Ban Kiểm Tra hiện nay đều là những người mới về, nên cũng không nắm được vụ việc.” (N.H.K) [qd]
Đình chỉ phó trưởng công an quận ở Hà Nội nghi bảo kê nhóm cướp
HÀ NỘI, Việt Nam (NV) – Ông thượng tá phó trưởng Công An quận Tây Hồ không những bỏ qua tội của nhóm cướp tài sản vào năm 2016, mà còn giúp chúng hòa giải để thoát tội.
Sáng 11 Tháng Năm, lãnh đạo Công An thành phố Hà Nội cho biết đã ra quyết định đình chỉ công tác Thượng Tá Phạm Quý Hải, phó trưởng Công An quận Tây Hồ, để làm rõ trách nhiệm việc công an quận này đã đứng ra “hòa giải” cho nhóm cướp với bị hại trong một vụ cướp tài sản xảy ra năm năm trước.
![]() |
Ngoài ông Hải, cơ quan hữu trách “sẽ xem xét trách nhiệm của một số lãnh đạo Công An quận Tây Hồ thời điểm đó.”
Báo Người Lao Động dẫn hồ sơ điều tra cho biết hồi năm 2016, bị cáo Nguyễn Hữu Tài (28 tuổi, trú quận Ba Đình, Hà Nội) hoạt động “tín dụng đen” cho anh NCT vay 10 triệu đồng ($432). Sau khi trả lãi và một phần vốn gốc, anh T. vẫn còn nợ Tài 4 triệu đồng ($173).
Chiều 21 Tháng Chín, 2016, nhóm của nghi can Tài thấy anh T. ở phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, nên vây lại để ép anh T. trả nợ. Bị hăm dọa, anh T. hoảng sợ bỏ chạy, nhóm này liền đuổi đánh rồi khống chế bắt đưa lên xe gắn máy chở đi xử tiếp. Trong lúc di chuyển, nhóm của Tài lấy điện thoại của anh T. để tránh gọi người giải cứu.
Đi được một đoạn thì xe gắn máy hết xăng. Lợi dụng việc này, anh T. đã vùng thoát và chạy vào trụ sở Công An phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, cầu cứu. Thấy vậy, nhóm của Tài không dám xông vào mà ném trả điện thoại rồi bỏ đi.
Sáng hôm sau cả nhóm bị Công An quận Tây Hồ triệu tập. Tại trụ sở công an, nghi can Tài đã khai nhận tội và bị tạm giữ để điều tra về tội “Bắt giữ người trái pháp luật.” Tuy nhiên, sau đó bất ngờ nghi can Tài lại được thả về.
Những ngày tiếp theo, Công An quận Tây Hồ đã mời nghi can và anh T. đến trụ sở để “hòa giải.” Nghi can đã bồi thường cho anh T. số tiền 15 triệu đồng ($649) và sửa điện thoại cho anh T., để anh T. bãi nại không tố cáo tiếp.
Tuy nhiên từ Tháng Giêng đến Tháng Ba vừa qua, nghi can Tài cùng đồng phạm lần lượt đến Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Hà Nội đầu thú nên vụ án “Cướp tài sản” mới được khởi tố, đưa ra xét xử.
Ngày 29 Tháng Tư, Tòa Án Nhân Dân Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hữu Tài hai năm tù giam về tội “Cướp tài sản.” Bốn đồng phạm gồm Nguyễn Khắc Đức (29 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội), Trần Văn Lộc (26 tuổi, ở quận Tây Hồ) cùng bị 20 tháng tù; Nguyễn Văn Nam (27 tuổi, ở quận Đống Đa, Hà Nội) 18 tháng tù, Nguyễn Quang Chính (23 tuổi, ở quận Tây Hồ) 15 tháng tù treo.
Đáng chú ý là tại phiên tòa, vợ của bị cáo Nguyễn Hữu Tài tức giận khai báo trong năm 2016 đã đưa 100 triệu đồng ($4,329) cho một cán bộ Công An quận Tây Hồ để nhờ “chạy án” cho chồng.
Cùng lúc, cáo trạng vụ án do Viện Kiểm Sát Nhân Dân Hà Nội ban hành cũng nêu nhận định trong lúc điều tra vụ án, Cơ Quan Điều Tra xác định “một số cán bộ Công An quận Tây Hồ có liên quan đến việc không xử lý hình sự đối với Tài và đồng phạm vào thời điểm đó.”
Do “có dấu hiệu tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp” nên Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Hà Nội đã thụ lý, giải quyết việc này một bằng vụ án khác, trước mắt là đình chỉ công tác ông Hải để điều tra.
![]() |
Liên quan đến việc này, trước đó Công An Hà Nội cũng đã đình chỉ ông Phùng Anh Lê, trưởng Phòng Cảnh Sát Kinh Tế kiêm phó thủ trưởng Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra Công An Hà Nội, để điều tra do ở thời điểm diễn ra vụ việc nêu trên, ông Phùng Anh Lê đang giữ chức trưởng Công An quận Tây Hồ.
Tất cả các báo đài đưa tin vụ ông Phùng Anh Lê “mất ghế” với nguyên do khá mơ hồ: “Có một số dấu hiệu xâm phạm hoạt động tư pháp khi ông Lê còn làm trưởng Công An quận Tây Hồ, Hà Nội.” Tức là ông này bị quy chụp có sai phạm từ trước Tháng Giêng, 2019, thời điểm ông được bổ nhiệm ghế trưởng Phòng Cảnh Sát Kinh Tế. (Tr.N) [qd]
Kết luận điều tra bổ sung vụ án Tất Thành Cang hé lộ vai trò đồng phạm của Công ty Nguyễn Kim
![]() |
Ông Tất Thành Cang, cựu Phó Bí thư Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh và 18 đồng phạm tiếp tục bị truy tố về các tội tham ô, vi phạm qui định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Việc truy tố ông Tất Thành Cang vừa được Công an Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) thông báo trong kết luận điều tra bổ sung và được truyền thông Nhà nước Việt Nam (VN) loan tin hôm 11/5.
Theo kết luận điều tra bổ sung, cơ quan điều tra khẳng định đủ cơ sở xác định giá trị cổ phần của Công ty phát triển Nam Sài Gòn (Sadeco) tại thời điểm phát hành cho Nguyễn Kim vào tháng 1/2017 là 162.571 đồng. Theo đó, thiệt hại của Sadeco trong việc bán 9 triệu cổ phần cho Nguyễn Kim là 1.103 tỉ đồng.
Cụ thể, thương vụ này đã gây thiệt hại cho vốn của UBND TPHCM 485 tỉ đồng và vốn Thành uỷ TPHCM là 184 tỉ, các cổ đông khác là 433 tỉ đồng.
Kết luận điều tra bổ sung cũng nêu rõ, ông Tất Thành Cang với vai trò Phó bí thư thời điểm bấy giờ biết rõ việc phát hành cổ phần phải thực hiện đấu giá, thẩm định giá nhưng ông lại không chỉ đạo chỉ đạo Văn phòng Thành ủy, người đại diện vốn có ý kiến về đấu giá, thẩm định giá. Ngược lại, ông đã bút phê đồng ý với giá phát hành cổ phần là 40 ngàn đồng/cổ phần cho một cổ đông chiến lược.
Do đó, kết luận bổ sung nêu, ông Cang phải chịu trách nhiệm đối với số tiền thất thoát, tương ứng phần sở hữu của Văn phòng Thành uỷ tại Sadeco là 184 tỉ đồng. Tuy nhiên, do ông Cang nhận thức được thiếu sót của bản thân nên đề nghị xem xét giảm nhẹ trách nhiệm trong quá trình truy tố, xét xử.
Ngoài ra, bộ sậu của Công ty Nguyễn Kim gồm ông Nguyễn Văn Kim-Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Hữu Thành –nguyên Phó chủ tịch HĐQT, Phạm Nhật Vinh –nguyên Tổng giám đốc với vai trò đại diện Nguyễn Kim tham gia vào HĐQT Sadeco, đã cùng biểu quyết thông qua việc phát hành chín triệu cổ phần của Sadeco với giá 40 ngàn đồng/CP cho Công ty Nguyễn Kim. Đó là khởi đầu để Công ty Nguyễn Kim thầu tóm Sadeco – Công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước).
Tin, bài liên quan
- VKS trả hồ sơ vụ Tất Thành Cang “bán rẻ” 9 triệu cổ phần tại SADECO để xác định lại thiệt hại
- Tất Thành Cang và một loạt các cựu quan chức TPHCM sẽ hầu toà và bị truy tố trong tháng 3/2021
- Ông Tất Thành Cang sẽ bị điều tra liên quan đến 7 vụ việc sai phạm khác nhau
- Cử tri thành phố yêu cầu xử lý “làm sai lệch hồ sơ vụ án Hồ Duy Hải” và ông Tất Thành Cang
- Ông Tất Thành Cang bị điều tra vì những sai phạm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm
- Điều tra SADECO: công an khởi tố 3 bị can và làm việc với ông Tất Thành Cang
- Ông Tất Thành Cang 3 lần vắng mặt tại buổi tiếp xúc cử tri
Trộm lật mặt… trộm!
Công an tỉnh Trà Vinh vừa… “rửa mặt” cho ông Phan Thanh Sơn, nạn nhân vụ trộm 66 lượng vàng và 35.000 Mỹ kim.
Tin Sơn Thanh Tuấn cạy cửa tư gia của ông Sơn, phá két sắt lấy 66 lượng vàng và 35.000 Mỹ kim lẽ ra là… bi, lại trở thành… hài. Thay vì thương cảm, công chúng chỉ dè bỉu, thắc mắc tại sao nạn nhân vốn là cựu Giám đốc Sở Giao thông Vân tải (GTVT) Trà Vinh lại… giàu như vậy (?).
Đó cũng là lý do… Ban Chuyên án – được thành lập chỉ để điều tra vụ trộm mà giá trị tài sản bị mất xấp xỉ năm tỉ đồng – phải lên tiếng.
Họ khẳng định đã hoàn tất việc… làm rõ về… nguồn gốc tài sản bị trộm là do vợ chồng nạn nhân tích lũy từ thưở còn tỉnh Cửu Long (bao gồm hai tỉnh Trà Vình và Vĩnh Long như hiện nay) để dưỡng già. Chưa kể vợ chồng nạn nhân còn mua bán, kinh doanh lặt vặt nhiều ngành nghề khác (1).
Cần lưu ý, tỉnh Cửu Long được tách trở lại thành Trà Vinh và Cửu Long năm 1991. Chỉ trong vòng chưa đầy ba ngày (từ tối 6 tháng 5 đến sáng 9 tháng 5) mà bộ phận đặc trách điều tra vụ trộm đã xác định xong… nguồn gốc của 66 lượng vàng và 35.000 Mỹ kim, vốn được tích lũy ròng rã… ba thập niên thì chẳng khác gì xếp công an Trà Vinh nói riêng, công an Việt Nam nói chung vào hạng… giỏi nhất thế giới!
Chưa kể tuyên bố của Ban Chuyên án còn chứng tỏ, hệ thống lưu trữ - quản lý toàn bộ thông tin liên quan đến tài sản của công dân Việt Nam, nhằm hỗ trợ xác định nguồn gốc… động sản (vàng, quý kim, tiền, ngoại tệ,…) - vốn phức tạp hơn rất nhiều so với bất động sản (nhà, đất) - khi cần, không chỉ… chặt chẽ, khoa học đến độ như… mơ, mà hiệu quả còn đạt đến mức… chưa từng có trong lịch sử điều tra hình sự của nhân loại!
***
Trong bối cảnh nhân loại vẫn vật lộn với rửa tiền, dẫu phối hợp chặt chẽ với nhau từ lâu nhưng lực lượng điều tra của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, đặc biệt là Interpol (cảnh sát hình sự quốc tế) vẫn toát mồ hôi trong việc điều tra nguồn gốc tài sản để chống hoạt động làm giàu bất chính (buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, buôn người, trốn thuế, tham nhũng,…), hiệu quả hoạt động của công an Trà Vinh rất cần được… nghiên cứu!
Với phương thức lưu trữ - quản lý toàn bộ thông tin liên quan đến tài sản của công dân Việt Nam như đã biết, có thể thấy rằng, bộ phận đặc trách điều tra vụ trộm xâm nhập tư gia của cựu Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh chỉ có một cách để nhanh chóng xác định ngay … nguồn gốc tài sản của ông Sơn là dựa vào… Tờ khai tài sản mà ông Sơn nộp cho hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam.
Ông Sơn thuộc diện phải kê khai tài sản. Ngoài bất động sản (chưa rõ thế nào vì không bị… trộm), hẳn ông đã từng khai về số động sản vừa bị trộm cắp nên Ban Chuyên án mới có thể mạnh miệng tuyên bố về… nguồn gốc tài sản bị trộm như thế. Thêm một lần nữa, vấn đề buộc các viên chức trong hệ thống chính trị, hệ thông công quyền tại Việt Nam kê khai tài sản lại có chuyện để bàn.
Tuy trước nay, kê khai tài sản vẫn được quảng bá như một trong những giải pháp phòng – chống tham nhũng, song không những cấm công bố các tờ khai tài sản, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam còn xem việc tiết lộ nội dung các tờ khai này là hành vi phạm pháp, cần điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự (2), đồng thời liên tục gạt bỏ những nỗ lực lập pháp nhằm tổ chức thẩm tra nguồn gốc tất cả tài sản được kê khai, xử lý những tài sản mà người kê khai không thể giải trình hợp lý về nguồn gốc (3)… cho nên những tờ khai tài sản bị lộ như trường hợp ông Ngô Văn Khánh (Phó Tổng Thanh tra), ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch thành phố Đà Nẵng),… hay những vụ trộm mà nạn nhân là viên chức hay cựu viên chức như ông Phan Thanh Sơn mới trở thành những hí họa vạch ra: Kê khai tài sản chỉ là một kiểu hợp thức hóa nguồn gốc tài sản!
***
Cứ quan sát phản ứng của công chúng đối với sự kiện cựu Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh bị trộm cuỗm mất 66 lượng vàng và 35.000 Mỹ kim ắt sẽ thấy, công an Trà Vinh nhanh chóng tuyên bố đã làm rõ về… nguồn gốc tài sản bị trộm không chỉ nhằm… “rửa mặt” cho riêng ông Sơn. Đó là động tác xịt rửa, giúp toàn bộ hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam vệ sinh thể diện.
Sơn Thanh Tuấn – thủ phạm vụ đột nhập tư gia cựu Giám đốc Sở GTVT Trà Vinh, trộm 66 lượng vàng và 35.000 Mỹ kim – không phải là đạo chích đầu tiên phơi bày sự giàu có khác thường đến mức làm công chúng phẫn nộ. Trước Tuấn đã có một số đạo chích như Đặng Ngọc Tân chuyên đột nhập tư gia của các công bộc (4), hay Nguyễn Tuấn Vũ – Nguyễn Quốc Phú chuyên đột nhập phòng làm việc của các công bộc (5)…
Công chúng vẫn chưa quen, chưa rành nguyên nhân thì cứ… choáng. Đừng thắc mắc tại sao hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam không… choáng!
Chú thích
(4) https://vnexpress.net/xet-xu-sieu-trom-45-la-n-do-t-nha-p-nha-quan-chu-c-2810916.html
(5) https://thanhnien.vn/thoi-su/phap-luat/truy-to-cap-bai-trung-sieu-trom-cong-so-28565.html
TAND TP Hà Nội kiến nghị khẩn trương truy bắt ông chủ Nhật Cường
(VTC News) - HĐXX kiến nghị Bộ Công an khẩn trương truy bắt ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy và điều tra 2 tiệm vàng làm trung gian chuyển hơn 2.500 tỷ đồng ra nước ngoài.
Chiều 10/5, trong phần tuyên án đối với 14 bị cáo trong đại án Nhật Cường, HĐXX kiến nghị Cơ quan CSĐT Bộ Công an và VKSND Tối cao phối hợp khẩn trương điều tra, truy bắt những nghi phạm đang bỏ trốn, đặc biệt là ông chủ Nhật Cường Bùi Quang Huy.
Bên cạnh đó, HĐXX kiến nghị cần tiếp tục điều tra với 2 tiệm vàng Lộc Phát (ở phố Hà Trung) và Thuận Phát (ở phố Hàng Dầu) bị cáo buộc giúp Nhật Cường chuyển tiền ra nước ngoài để tránh bỏ lọt tội phạm.
HĐXX nhận thấy đây là vụ án đồng phạm, có sự câu kết giữa các bị cáo để thực hiện hành vi phạm tội do Bùi Quang Huy chủ mưu, cầm đầu. Các bị cáo là người thực hành trực tiếp hoặc giúp sức cùng Huy buôn lậu.
Các bị cáo phạm tội nhiều lần, có tổ chức với hành vi rất nghiêm trọng, xâm phạm đến hoạt động trị an, kinh tế, xuất nhập khẩu, gây rối loạn thị trường nên cần giáo dục cải tạo và trừng trị với hình phạt nghiêm minh.
Trong quá trình xét xử, ngoài bị cáo Nguyễn Bảo Trung không thừa nhận hành vi, HĐXX đánh giá cao thái độ nhận thức hầu hết các bị cáo, đặc biệt có nhiều bị cáo đã hỗ trợ đắc lực làm sáng tỏ vụ án.
![]() |
Bị nhận định là người giúp sức tích cực cho chủ mưu Bùi Quang Huy, HĐXX tuyên bị cáo Trần Ngọc Ánh (Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường) mức án 13 năm tù về tội "Buôn lậu".
Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc (Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường) nhận mức án 4 năm về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và 10 năm tù về tội "Buôn lậu", tổng hình phạt 14 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng (Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường) bị tuyên mức án 3 năm 6 tháng tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Cùng về tội "Buôn lậu", VKS đề nghị bị cáo Đỗ Quốc Huy (Giám đốc Bán hàng Công ty Nhật Cường) 9 năm tù; Nông Văn Lư (nhân viên Công ty Nhật Cường) 7 năm tù; Hoàng Văn Phong (Trưởng ngành hàng Apple Công ty Nhật Cường) 6 năm tù; Bùi Quốc Việt (nhân viên, anh trai ông chủ Nhật Cường) 5 năm tù; Trần Tất Khoa (Giám đốc Công ty Nhật Cường tại Quảng Châu, Trung Quốc) 6 năm tù; Lê Hoài Phương (nhân viên Công ty Nhật Cường Quảng Châu) 4 năm tù; Ngô Tuấn Sửu (Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư và phát triển hạ tầng Thanh Sơn) 5 năm tù.
Nguyễn Bảo Trung (ở Hà Nội) bị tuyên mức án 8 năm tù, Ngô Đức Tùng (ở Hà Nội) 6 năm tù, Phạm Văn Hiệp (ở Hải Phòng) 7 năm tù và Đỗ Văn Dũng (ở Hải Phòng) 4 năm tù.
Bản án nhận định, người chủ mưu, cầm đầu trong vụ án này là Tổng giám đốc Nhật Cường Bùi Quang Huy nhưng đang bỏ trốn. Vai trò thứ 2, tích cực phạm tội nhất sau Huy là Trần Ngọc Ánh nên phải chịu trách nhiệm chung về việc buôn lậu với tổng giá trị tài sản gần 3.000 tỷ đồng.
Ngoài hình phạt chính, HĐXX xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung với các bị cáo.
Về khoản thu lời bất chính ở tội "Buôn lậu", bản án nhận định Bùi Quang Huy đã hợp thức hoá và thu lời bất chính hơn 221 tỷ đồng. Do Huy đã bỏ trốn nên HĐXX tuyên buộc 13 bị cáo phạm tội buôn lậu phải liên đới nộp lại khoản tiền thu lời bất chính này.
Cụ thể, Nguyễn Ngọc Ánh phải nộp 69 tỷ đồng, Ngọc 40 tỷ đồng, Lư 10 tỷ đồng và những bị cáo còn lại từ hơn 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng.
Đối với tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", toà buộc 2 bị cáo Ngọc và Hằng nộp sung công quỹ nhà nước gần 30 tỷ đồng gây thiệt hại. Trong đó Ngọc 16 tỷ đồng, Hằng hơn 13 tỷ đồng.
Mức án của các bị cáo trong vụ xét xử công ty Nhật Cường
Chiều 10/5, TAND Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường.
Chiều 10/5/2021, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án phiên tòa xét xử vụ án buôn lậu, vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường).
(TTXVN/Vietnam+)
Đại án Nhật Cường: Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ?
Khai báo trước tòa, các bị cáo nhân viên của Công ty Nhật Cường cho rằng chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ông chủ Bùi Quang Huy. Người hưởng lợi là ông Huy lại không có mặt để gánh chịu trách nhiệm.
![]() |
Ngày 6.5, TAND TP.Hà Nội tiếp tục xét hỏi các bị cáo trong vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), liên quan đến việc sử dụng 2 hệ thống sổ sách kế toán để che giấu doanh thu.
Theo cáo trạng, từ năm 2014 - 2019, Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường là Bùi Quang Huy (đang bỏ trốn) chỉ đạo các bị cáo nhập lậu 255.311 sản phẩm điện thoại di động, máy tính bảng, đồng hồ… với tổng trị giá 2.927 tỉ đồng, rồi phân phối. Qua đó Công ty Nhật Cường đã bán được 254.364 sản phẩm, thu hơn 3.213 tỉ đồng và hưởng lợi bất chính 221 tỉ đồng.
Cũng trong thời gian này, Bùi Quang Huy chỉ đạo nhân viên lập 2 hệ thống sổ sách kế toán gồm hệ thống ERP nội bộ để theo dõi số liệu thực tế và hệ thống Misa ghi nhận báo cáo tài chính, sổ sách kế toán để khai báo với cơ quan quản lý Nhà nước.
Các cơ quan tố tụng xác định, giai đoạn 2014 - 2018, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 503 tỉ đồng; tổng lợi nhuận trước thuế hơn 4.889 tỉ đồng, nộp ngân sách hơn 1.378 tỉ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp và 12 tỉ đồng thuế GTGT.
Tuy nhiên, hệ thống bí mật ERP thể hiện trong giai đoạn nêu trên, Công ty Nhật Cường có tổng tài sản hơn 883 tỉ đồng, lợi nhuận trước thuế lên tới 8.274 tỉ đồng.
Trên hệ thống ERP cũng thể hiện, Công ty Nhật Cường đã mua vào số hàng trị giá hơn 5.700 tỉ đồng nhưng chỉ nộp thuế cho số hàng trị giá hơn 1.500 tỉ đồng, số hàng còn lại trị giá hơn 4.200 tỷ đồng không có hóa đơn. Do có sự chênh lệch giữa 2 hệ thống kế toán nên Công ty Nhật Cường trốn hơn 29 tỉ đồng tiền thuế.
Khai trước tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Nhật Cường, cho rằng bản thân bị oan bởi Ngọc chỉ sử dụng hệ thống ERP, không được sử dụng hệ thống Misa nên không thể lập các báo cáo thuế, báo cáo tài chính gửi cơ quan nhà nước. Do đó bị cáo không phạm tội “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, như cáo buộc của Viện KSND tối cao.
Trong khi đó, bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng Công ty Nhật Cường, thừa nhận các báo cáo tài chính hàng năm trước khi gửi cơ quan thuế đều phải báo cáo cho Bùi Quang Huy, đươc sự đồng ý của Huy thì mới gửi cho cơ quan thuế.
Nhiều bị cáo khác của Công ty Nhật Cường khai bản thân chỉ là người làm công ăn lương, làm theo chỉ đạo của ông chủ Bùi Quang Huy và không nhận thức được việc để tồn tại 2 hệ thống kế toán nêu trên là vi phạm pháp luật.
Bị cáo Trần Ngọc Ánh, Phó tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, khai trong quá trình phân phối sản phẩm thường bị mất hàng hóa bán lẻ, nên Bùi Quang Huy đã chỉ đạo thành lập hệ thống ERP để kiểm soát, bản thân bị cáo cũng chỉ nghĩ rằng phần mềm ERP là để quản lý tiền hàng chặt chẽ, tránh mất mát.
“Với tư cách là nhân viên của công ty, bị cáo cũng chỉ là người đi làm thuê. Trước bối cảnh phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bị cáo thấy 2 năm bị tạm giam cũng đủ dài để suy nghĩ về hậu quả xảy ra. Đây là kết quả của việc kinh doanh lâu dài do nhiều người cùng thực hiện. Bị cáo xin nhận trách nhiệm. Nhưng chỉ mong được xem xét bởi chỉ là người làm công ăn lương, làm theo sự chỉ đạo của ông chủ; bản thân bị cáo đã khai báo thành khẩn; người hưởng lợi là ông Huy lại không có mặt để cùng gánh chịu”, bị cáo Ánh nói.
Đại án Nhật Cường xuất phát từ nguồn tin nào?
Từ đơn tố giác ngày 8.5.2019 về một số sai phạm của Tổng giám đốc Công ty Nhật Cường, 1 ngày sau đó, Bộ Công an đã ra lệnh khám xét khẩn cấp rồi phát lộ ra hàng loạt sai phạm.
![]() |
Liên quan đến kết luận điều tra một phần vụ án “buôn lậu”, “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, “rửa tiền”, vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) cho biết, vụ án này được bắt đầu từ đơn tố giác tội phạm.
Quá trình điều tra đã xác định hàng loạt sai phạm của doanh nghiệp và cán bộ Nhà nước. Đến nay, vụ án này được xếp vào diện theo dõi của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng.
Cụ thể, căn cứ nội dung đơn tố giác ngày 8.5.2019 về một số sai phạm của Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Nhật Cường (Công ty Nhật Cường), ngày 9.5.2019, lực lượng của C03 và Bộ Công an đã khám xét khẩn cấp 9 địa điểm liên quan đến Bùi Quang Huy và chuỗi cửa hàng điện thoại của Công ty Nhật Cường tại Hà Nội và TP.HCM.
Tại các điểm này, cơ quan công an đã thu giữ hơn 1.000 sản phẩm hàng hóa các loại cùng nhiều tài liệu liên quan.
Sau khi củng cố tài liệu chứng cứ xác định hành vi vi phạm pháp luật của Bùi Quang Huy và đồng phạm, ngày 14.5.2019, C03 đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “buôn lậu”; và "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai tháng sau đó, C03 ra quyết định khởi tố bổ sung vụ án thêm tội rửa tiền. Đến cuối tháng 11, C03 tiếp tục ra quyết định khởi tố bổ sung thêm tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Đáng chú ý, vụ án xuất phát từ đơn tố giác và được khám xét khẩn cấp, nhưng Bùi Quang Huy, người được xác định là cầm đầu vụ án, đã nhanh chân bỏ trốn, hiện nay vẫn chưa bắt được.
Do tính chất phức tạp của vụ án nên đến nay, C03 mới làm rõ được hành vi “buôn lậu” và “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”, các hành vi còn lại đang tiếp tục được điều tra, làm rõ.
Theo kết luận điều tra, Công ty Nhật Cường được thành lập từ năm 2001, có trụ sở chính tại phố Lý Quốc Sư, Q.Hoàn Kiếm, TP.Hà Nội, do Bùi Quang Huy làm Tổng giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật.
Khởi đầu là doanh nghiệp về sửa chữa buôn bán điện thoại nhưng trong một thời gian ngắn, Công ty Nhật Cường đã phát triển một chuỗi cửa hàng có vị trí đắc địa tại Hà Nội và một số địa phương, đồng thời khẳng định vị trí số một về các thiết bị di động, viễn thông tại Hà Nội.
Đến cuối năm 2016, Bùi Quang Huy đã thành lập thêm Công ty giải pháp phần mềm Nhật Cường (Công ty Nhật Cường Software) với tham vọng cung cấp dịch vụ công cho UBND TP.Hà Nội. Trên thực tế, dù là doanh nghiệp còn khá non trẻ, nhưng Công ty Nhật Cường Software đã nhanh chóng giành được hàng loạt gói thầu cung cấp dịch vụ cho các sở, ngành thuộc UBND TP.Hà Nội.
Theo kết luận điều tra, từ năm 2014 đến ngày 9.5.2019 (thời điểm thực hiện khám xét khẩn cấp), Bùi Quang Huy sử dụng hệ thống nhân sự của Công ty Nhật Cường để giao dịch mua 2.502 đơn hàng với 16 nhà cung cấp nước ngoài, mua 255.311 sản phẩm điện thoại di động Iphone các loại, máy tính, máy tính bảng, máy nghe nhạc, Apple TV, đồng hồ và một số điện thoại nhãn hiệu khác), tổng trị giá 2.927 tỉ đồng của nhiều chủ hàng tại các nước Mỹ, UAE, Singapore, Hồng Kông...
Sau khi mua hàng, Bùi Quang Huy và đồng phạm không ký hợp đồng với các nhà cung cấp để nhập khẩu chính ngạch mà chi số tiền 72 tỉ đồng để thuê các đối tượng vận chuyển, tiếp nhận hàng của nhà cung cấp và tổ chức vận chuyển trái phép từ nước ngoài về Việt Nam.
Tài liệu điều tra xác định Bùi Quang Huy và đồng phạm đã thuê 9 đường dây vận chuyển hàng lậu từ Hồng Kông về Việt Nam. Việc vận chuyển hàng hóa trái phép được thực hiện theo đường biển về cảng Hải Phòng, đường hàng không về qua sân bay quốc tế Nội Bài và qua đường bộ, từ Trung Quốc về Việt Nam qua các đường tiểu ngạch tại các tỉnh Lạng Sơn, Quảng Ninh rồi đưa về cất giấu tại kho hàng ở Hà Nội.
Thông qua hệ thống phân phối của mình, Công ty Nhật Cường đã tiêu thụ 254.364 sản phẩm nhập lậu, thu được tổng số tiền hơn 3.213 tỉ đồng, hưởng lợi bất chính số tiền 221 tỉ đồng. Đồng thời trốn thuế các loại thuế giá trị gia tăng 26.8 tỉ đồng và thuế thu nhập doanh nghiệp 3,1 tỉ đồng.
Trong vụ án này, C03 xác định Bùi Quang Huy có vai trò chủ mưu, cầm đầu. Trong đó, riêng hành vi “vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” của Huy và đồng phạm đã gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền gần 30 tỉ đồng. Ngoài ra, Bùi Quang Huy thành lập 2 hệ thống sổ sách kế toán nhằm mục đích che giấu hoạt động kinh doanh bất hợp pháp (buôn lậu, rửa tiền). Do Bùi Quang Huy đang bỏ trốn nên C03 đã tạm định chỉ điều tra, khi nào bắt được xử lý sau.
Tin liên quan
- Hé lộ một phần 'tảng băng' đại án Nhật Cường
- Đại án Nhật Cường: Tiếp tục điều tra vụ án liên quan vợ chồng ông Nguyễn Đức Chung
- Đường dây buôn lậu điện thoại Nhật Cường vận hành ra sao?
Một thanh niên ở Hà Tĩnh bị phạt vì ‘xúc phạm đại gia Trịnh Văn Quyết’
HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Anh NTH, 28 tuổi, ở Vũ Quang vừa bị thanh tra Sở Thông Tin Truyền Thông Hà Tĩnh phạt hành chánh 7.5 triệu đồng ($325) với cáo buộc “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm cá nhân, tổ chức.”
Cụ thể, theo báo Hà Tĩnh, tài khoản Tiktok “Hùng Pro” bị cho là của anh H. đăng tải đoạn video clip “Biến căng, tỷ phú Trịnh Văn Quyết (Quyết ‘nổ’) đã bị bắt tạm giam về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.”
![]() |
Nội dung này bị thanh tra Sở Thông Tin Truyền Thông Hà Tĩnh cùng phòng An Ninh Chính Trị Nội Bộ Công An tỉnh, kết luận là “xuyên tạc, sai sự thật.”
“Tại cơ quan chức năng, NTH đã thừa nhận việc đưa thông tin trên Tiktok là sai sự thật và đã được Tiktok gỡ bỏ thông tin, đồng thời cam kết không tái phạm,” báo Hà Tĩnh viết.
Tờ báo cũng kêu gọi người dân “cảnh giác, chọn lọc thông tin, không đăng tải, chia sẻ những thông tin chưa được xác thực, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị trên địa bàn.”
“Đại gia” Trịnh Văn Quyết, tổng giám đốc tập đoàn FLC, bị công luận cho rằng làm giàu nhờ kinh doanh bất động sản và quan hệ lợi ích nhóm.
Tập đoàn của ông Quyết mới đây gây bàn tán với vụ được ông Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt dự án xây dựng sân golf Đak Đoa ở tỉnh Gia Lai trên đất rừng thông, trước khi ông này rời ghế thủ tướng vào đầu Tháng Tư.
Trước vụ xử phạt anh H., chính quyền tỉnh từng xử phạt một số người dân khác về các post Facebook bị quy kết là phạm luật.
Hồi trung tuần Tháng Ba, Công An tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 2.5 triệu đồng ($108) đối với anh LQĐ ở huyện Cẩm Xuyên, với cùng cáo buộc hành vi “Đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm tổ chức.”
![]() |
Anh Đ. được cho là đăng tải hình ảnh lực lượng cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ và bình phẩm “tục tĩu” trên Facebook.
Đến nay, các vụ xử phạt tại Hà Tĩnh và các tỉnh thành khác cùng có chung mô típ là công an hoặc giới chức thanh tra Sở Thông Tin Truyền Thông được toàn quyền quy chụp hành vi vi phạm của Facebooker và người bị phạt đều bị “cấm cãi.”
Các bản tin trên báo nhà nước về những vụ này đều ghi nhận người bị xử phạt “nhận rõ hành vi sai trái của mình và gửi lời xin lỗi lực lượng công an, đóng phạt và hứa không tái phạm.” (N.H.K) [qd]
Cựu TT Nguyễn Xuân Phúc không liên quan việc xây sân golf ở Đak Đoa?
![]() |
Nhiều người bênh vực cựu Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về chủ trương cho phép công ty FLC xây sân golf ở Gia Lai và nói cựu Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người cho phép.
Mới đây, báo chí và cộng đồng mạng tại Việt Nam xôn xao chuyện Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, hiện đã là chủ tịch nước, đồng ý cho công ty FLC xây sân golf trên đất rừng.
Tuy nhiên, sau đó nhiều người cho rằng Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mới là người ký quyết định trên, còn ông Phúc không liên quan.
- VN: Thủ tướng cho FLC xây sân gôn trên đất rừng vào giờ chót
- Rừng bị xâm hại và quản lý kém ảnh hưởng miền Trung VN thế nào?
Ai chủ trương? Ai ký?
Cụ thể, hôm 5/4, báo Vietnam đưa tin Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa (Gia Lai) của Công ty CP Tập đoàn FLC.
Theo đó, dự án có quy mô 174,01ha, trong đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng 155,93 ha rừng sản xuất sang mục đích khác, diện tích đất chưa có rừng là 18,08 ha. Dự án nằm trên một phần khu vực rừng thông được trồng khoảng từ năm 1976 đến nay và không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp.
Quyết định này đã gây bức xúc trong dư luận, nhiều người cho rằng đây là hành động "đánh đổi môi trường lấy lợi ích kinh tế".
Tuy nhiên, bắt đầu từ tuần qua, nhiều người lên tiếng cho rằng quyết định phê duyệt trên là do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký trước khi mãn nhiệm. Vào lúc quyết định được công bố, ông Phúc không còn chịu trách nhiệm điều hành chính phủ nữa.
Facebook ông Lưu Trọng Văn, người có hơn 86.000 lượt theo dõi, viết rằng vào ngày 1/4 ông Phúc đã được miễn nhiễm chức vị Thủ tướng nên không còn quyền điều hành chính phủ từ ngày đó. Người này còn đưa ra ảnh chụp vản bản quyết định phê duyệt dự án sân golf Đắk Đoa được ông Trịnh Đình Dũng ký vào ngày 1/4.
![]() |
Ông Lưu Trọng Văn phân tích rằng trong hai ngày làm việc không có thủ tướng điều hành, các phó thủ tướng Trương Hòa Bình, Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam không sử dụng quyền ký. Ông kết luận:
"Như vậy, quyết định ông Trịnh Đình Dũng ký trao 174 ha rừng cho FLC của ông Quyết làm sân golf ở Gia Lai ngay ngày thứ nhất chính phủ không có thủ tướng điều hành. Với các thông tin trên thì ông Nguyễn Xuân Phúc, đương kim chủ tịch nước, không phải liên đới chịu trách nhiệm về việc trao 174 ha rừng ở Gia Lai làm sân golf mà dư luận đang rất bất bình."
Người này còn cho biết thêm rằng theo thông tin ông biết được, ông Phúc đã không chấp nhận dự án biến rừng thành sân golf này từ trước và "bức xúc" khi biết thông tin dự án đã được phê duyệt.
Cổng thông tin điện tử Chính phủ, báo Tuổi Trẻ cũng ghi rằng ngày 1/4, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ký quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sân golf Đak Đoa ở Gia Lai do tập đoàn FLC làm chủ đầu tư.
Trên các trang mạng, thông tin được đưa theo chiều hướng đây là quyết định của cá nhân ông Trịnh Đình Dũng trước khi mãn nhiệm.
Tuy nhiên, theo thông tin chính thống của cơ quan ngôn luận thuộc Chính phủ Việt Nam được công bố sau đó, việc cho phép FLC làm sân golf ở rừng thông Đak Đoa là chủ trương của Chính phủ. Ông Phúc, khi đang làm thủ tướng, đã đồng ý chủ trương này.
Báo Chính phủ nói gì?
Khi những thông tin tranh cãi trên gây nên ồn ào, báo điện tử Chính phủ đã lên tiếng chính thức.
Theo đó, kênh thông tin chính thức của chính phủ nói rằng quá trình dự án này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình Thủ tướng và việc phê duyệt này không phải "một sớm, một chiều" là xong.
Báo này viết rằng cuối năm 2020, khi báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo về vấn đề lấy môi trường đánh đổi kinh tế: "Thủ tướng đã có ý kiến giao Bộ NN & PTNT nghiên cứu, đánh giá tác động, báo cáo Thủ tướng về nội dung báo chí phản ánh."
"Bộ NN & PTNT đã tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường và làm việc với tỉnh Gia Lai và một số bộ liên quan về việc sử dụng đất của Dự án sân golf Đak Đoa cũng như tổ chức Hội đồng thẩm định việc chuyển mục đích sử dụng rừng với đa số phiếu tán thành việc trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Ý kiến các bộ, ngành đều ủng hộ việc triển khai Dự án."
![]() |
Bên cạnh đó, cơ quan ngôn luận của chính phủ còn khẳng định rằng, theo quy định tại Điều 30 của Luật Đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sân golf, không phân biệt quy mô nguồn vốn, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, kênh này cũng ghi rõ sân golf Đak Đoa là 1 trong 89 sân golf được quy hoạch theo Quyết định của Thủ tướng vào năm 2009 về việc phê duyệt "Quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020".
"Về trình tự thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, Nghị định 83/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sản xuất từ 50 ha đến dưới 1.000 ha," trang này đưa tin.
Điều này thể hiện rằng, việc phê duyệt dự án sân golf Đak Đoa là chủ trương của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như của chính phủ, còn Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng là người ký.
Một quyết định nhân danh chính phủ thì không thể là hành vi của một cá nhân lúc giao thời tranh tối tranh sáng được.
Quan ngại về vấn đề môi trường
Save Tam Đảo, một trang Facebook chuyên về môi trường, nêu ý kiến:
"Với bản đồ quy hoạch như công bố của FLC thì tuyệt nhiên đây không phải là du lịch sinh thái. Không có nơi đâu du lịch sinh thái lại nhân tạo toàn bộ một cánh rừng để biến nó thành sân golf, biệt thự cả. Không phủ nhận dự án này sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển, tuy nhiên về dài hạn và tính bền vững lại không có nếu như không chỉ Gia Lai mà ở các tỉnh thành khác không tập trung vào giáo dục, tri thức và phát triển kinh tế dựa vào phát minh."
Jang Kều, nhà sáng lập tổ chức Nhà Chống Lũ và là người nổi tiếng trong các hoạt động bảo vệ môi trường, viết trên Facebook cá nhân:
"Con số thống kê từ Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam, hiện cả nước có 75 sân golf đang hoạt động, chỉ riêng FLC đã sở hữu đến 30 dự án sân golf. Không chỉ có vậy, FLC đặt mục tiêu đến năm 2022 sẽ sở hữu khoảng 100 sân golf trên khắp cả nước. Trong đó dự án sân golf Đak Đoa 174 ha mà 155 ha đất rừng là dự án số 30 của tập đoàn này."
Tháng 12/2020, khi dự án được đề xuất, báo chí phản ánh ý kiến nhiều chuyên gia cảnh báo rằng việc triển khai dự án sân golf này sẽ làm biến mất rừng thông ba lá gần 50 tuổi quý giá nói trên và thảm thực vật tại đây, dẫn đến mất cân bằng môi trường sinh thái của địa phương.
Phá rừng ở Việt Nam